VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI (Nguyễn Phong)

VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI (Nguyễn Phong)

Thứ 3, 9 Tháng 8 2016, 12:22 sáng

Gần như ở thời đại nào, các trường phái nghệ thuật mới cũng tìm cách phá bỏ các lề thói cũ. Nhưng nghệ thuật đương đại đẩy xa hơn bao giờ hết biên giới của khái niệm “nghệ thuật”, và chủ động hơn hết trong việc đặt ra câu hỏi: “Thế nào là nghệ thuật”.

“The Physical Impossibility of Death In The Mind Of Someone Living”  - Damien Hirst

Những người vẽ ánh sáng

Để hiểu được nghệ thuật đương đại, chúng ta phải quay về thời của các nhà hoạ sĩ theo trường phái Ấn tượng như Van Gogh, Monet. Họ lập luận rằng con người ta không trực tiếp nhìn thấy vạn vật, mà chỉ nhìn thấy ánh sáng do thế gới xung quanh hắt lại mà thôi. Do đó, họ vẽ theo cảm nhận của mình về ánh sáng, chứ không tìm cách tả thực như các hoạ sĩ cổ điển thời xưa. Mỹ thuật bắt đầu bước từ việc mô tả sang việc biểu đạt. Đây chính là khởi đầu của giai đoạn nghệ thuật Hiện đại (Modern Art).

Vincent van Gogh – The Starry Night

Picasso và các nhà hoạ sĩ Lập thể (Cubist) đẩy logic này xa thêm một bước nữa. Mọi vật vốn có hình khối trong không gian ba chiều, và chúng ta cũng nhìn nhận chúng trong ba chiều. Để thể hiện sự hữu hạn của mỹ thuật trong việc môt tả vạn vật, các hoạ sĩ Lập thể vẽ các nhân vật và đồ vật trong tranh từ nhiều góc nhìn cùng một lúc, tạo thành những bức tranh vẽ cảnh thực nhưng hoàn toàn khác với sự thực.

Các hoạ sĩ Lập thể, đặc biệt là Picasso, cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật cổ xưa của châu Phi, các đảo Thái Bình Dương và châu Mỹ, mà lúc đó mới được du nhập nhiều vào châu Âu. Nhiều hoạ sĩ bắt đầu cố tình phá vỡ các đường nét tự nhiên thành những hình trụ, hình nón và đường thẳng. Như thế, phong trào Lập thể đã bỏ rơi hẳn việc tìm cách dùng kỹ thuật điêu luyện để tạo ra một hình dung của thế giới thực trên tranh, mà để cho hoạ sĩ phóng túng với trí tưởng tượng của mình.

The Weeping women – Pablo Picasso, 1937

Hoạ sĩ ở xứ sở thần tiên

Cuối những năm 1940, cái tên Jackson Pollock nổi lên trong giới nghệ thuật, với một phong cách mới: hoạ sĩ người Mỹ này dùng cọ cứng, que, thậm chí là …xy-lanh để nấu gà tây quay để nhỏ, vẩy, vung những vệt sơn acrylic lên một tấm voan trên sàn nhà. Thành quả của Pollock là những bức tranh vô cùng đặc biệt, đáng giá nhiều triệu đô-la với một số người, nhưng đối với nhiều người khác thì chẳng khác gì một miếng giấy lộn mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể bắt chước được.

Giới nghệ thuật lúc đó đã không còn lạ gì với những tranh cãi kiểu này. Từ tận năm 1915, hoạ sĩ người Nga Kazimir Malevich đã vẽ một bức tranh chỉ độc một hình vuông đen tuuyeenf. Bức tranh này không những được trưng bày rất trang trọng ở bảo tang Tretyakov danh giá tại Moscow, mà còn khơi mào cho cả một trường phái “Supermatist” đầy những tác phẩm tương tự. Malevich tiếp tục vẽ những bức hình tròn màu đen, hình vuông màu trắng nằm chéo, hình chữ thập đen, v.v.

Malevich và Pollock là hai trong số những đại diện của phong trào Trừu tượng – một phong trào thực sự đòi hỏi người xem tranh phải gạt hết những suy diễn logic, và cố gắng nhìn được những cảm xúc và triết lý được trần trụi hoá bằng nét vẽ và màu sắc. Bằng cách cố gắng loại bỏ hết cái “hình”, các hoạ sĩ Trừu tượng tìm cách đem lại biểu cảm sáng tạo dưới dạng thuần khiết nhất có thể.

Cũng cùng mục đích rũ bỏ sự kìm kẹp của cái “hình” trong thế giới thực lên trí tưởng tượng và tiềm thức, nhưng các nhà hoạ sĩ theo chủ ngĩa Siêu thực (Surrealism) lại đi theo một con đường khác. Họ vẽ những cảnh phi lý xảy ra trong giấc mơ, những hình thù siêu tưởng. Hoặc họ tìm cách tách rời hình ảnh ra khỏi ý nghĩa của chúng: như bức tranh nổi tiếng của René Magritte vẽ một cái tẩu thuốc là kèm dòng chú thích “Caci n’est pas une pipe” – “Đây không phải là một cái tẩu”

Nghệ thuật giờ đây không chỉ là cái đẹp, nó còn là một lời tuyên ngôn về thế giới, một cách thể hiện những trăn trở về bản chất của suy nghĩ, của ý thức và của con người.

René Magritte

Những con thú lồng kính

Và nghệ thuật cũng tự chất vấn chính nó. Từ những năm 1950, phong trào “Pop-art” đã cố tình lấy những cái thường bị coi là loè loẹt, sến súa, quê kệch nhất của quảng cáo hay truyện tranh, và đưa chúng vào làm thành nghệ thuật “cáo cấp”. Ví dụ như Andy Warhol, hoạ sĩ Pop-art người Mỹ, vẽ những vật dụng tầm thường như hộp súp cà chua, hoặc áp dụng những phương pháp thô tục như dùng nước tiểu để “vẽ” trên những tấm đồng.

Nhưng ít ra Andy Warhol còn tự dùng nước tiểu của mình. Marcel Duchamp – một hoạ sĩ và điêu khắc có tiếng, đã lấy nguyên một cái bồn cầu xi măng, viết tên mình lên và gửi nó cho một triển lãm nghệ thuật. Ông cho rằng nghệ thuật chỉ cần có dụng ý. Việc ông dụng ý dùng cái bồn cầu làm một tác phẩm nghệ thuật là đủ biến nó thành nghệ thuật.

Nghệ thuật đương đại không chỉ là sự phá cách đơn thuần. Nó nhiều khi đòi hỏi một sự đối thoại sâu sắc giữa người nghệ sĩ và người thưởng thức. Và chẳng phải mục đích của nghệ thuật là tạo ra sự đối thoại giữa người với người hay sao?

“Micheal Jackson” by Andy Warhol

 

Nguồn: Tạp chí VietnamAirline số Jul-Aug 2016

 

Bình luận